Làn sóng xe điện thách thức thủ phủ ôtô châu Âu
Sự phát triển nhanh của xe điện, nhất là từ Trung Quốc, đặt Slovakia và Czech, hai quốc gia sản xuất nhiều ôtô nhất thế giới tính theo đầu người, vào thế phải thay đổi.
Được mệnh danh là "Detroit của châu Âu", Slovakia và Czech là 2 nước sản xuất nhiều xe hơi nhất thế giới tính theo đầu người. Tại vùng thủ phủ này, công nghiệp ôtô đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế.
Sản xuất ôtô là ngành công nghiệp lớn nhất Slovakia, chiếm 13% GDP (trong khi Đức là 5%), với các thương hiệu lớn có nhà máy như Volkswagen, Peugeot, Kia, Jaguar Land Rover. Vào 2022, nước này sản xuất hơn một triệu chiếc ôtô, tức bình quân 184 xe ra đời trên 1.000 dân. Hơn 30% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Slovakia đến từ ôtô và động cơ, máy móc liên quan.
Tại Czech, công nghiệp ôtô cũng chiếm khoảng 10% GDP, và một phần tư kim ngạch xuất khẩu. Đây là nơi đặt các nhà máy của Skoda, TPCA và Hyundai.
Hai thập kỷ qua, nhờ ngành ôtô, tăng trưởng của Czech và Slovakia đạt lần lượt 2,4% và 3,5%, cao hơn trung bình EU. Tuy nhiên, làn sóng xe điện đang đe dọa đến tương lai của vùng thủ phủ xe hơi này. Có ít nhất hai thách thức chính mà nơi đây phải đối diện. Đầu tiên là làn sóng xe điện "Made in China".
Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Wasington (Mỹ) cho biết kim ngạch xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang châu Âu tăng đều đặn hàng năm, từ 621,5 triệu USD vào 2019 lên hơn 15 tỷ USD năm 2022. Riêng 7 tháng đầu 2023 đạt hơn 13 tỷ USD.
CSIS cho hay hầu hết xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc đều đến các cảng ở Bỉ, Hà Lan hoặc Slovenia, nhưng sau đó được bán ở Anh, Đức hoặc vùng Scandinavia. Phần lớn xe điện Trung Quốc vào châu Âu nhờ nhu cầu cao, thuế nhập khẩu thấp, trong khi Mỹ đánh thuế 27,5% khiến chúng khó thâm nhập.
Theo nghiên cứu của Công ty bảo hiểm Allianz (Đức), nếu xe Trung Quốc vào châu Âu đạt 1,5 triệu xe năm 2030 thì tổn thất kinh tế của ngành ôtô châu Âu sẽ ở mức 24,2 tỷ euro. Các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành này như Slovakia và Czech có thể phải chịu tác động lớn hơn, 0,3-0,4% GDP.
"Nếu chúng ta nói rằng Trung Quốc kém cỏi trong việc sản xuất ôtô động cơ đốt, điều này không còn đúng với xe điện nữa", Patrik Križanský, Giám đốc Hiệp hội xe điện Slovakia (SEVA), nói với tờ EURACTIV Slovakia.
Allianz cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tiến hành hợp tác thương mại có đi có lại với Trung Quốc. "Hơn nữa, việc cho phép đầu tư của Trung Quốc vào lắp ráp ôtô có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn", công ty khuyến nghị.
Trong một nỗ lực gần đây để bảo vệ ngành ôtô, Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc xem họ có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp để bán phá giá hay không. Pháp công bố danh sách xe điện đủ điều kiện nhận trợ cấp và loại trừ hầu hết xe Trung Quốc.
Các nhà sản xuất châu Âu đang đẩy nhanh điện hóa, nhưng điều này cũng đặt ra thách thức cho ngành chế tạo ôtô tại đây. Nhiều công ty đa quốc gia đã công bố các khoản đầu tư lớn vào Slovakia từ 2022, gồm hơn 1,2 tỷ euro từ Volvo cho nhà máy sản xuất thứ 3 tại quốc gia này, chuyên sản xuất ôtô điện. Porsche cũng dự chi một tỷ euro để sản xuất mô-đun pin cho xe điện.
Zuzana Zavarská, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW), xác nhận các công ty nước ngoài đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Slovakia qua các khoản đầu tư lớn.
Bà cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang tụt lại phía sau trong quá trình chuyển đổi. Việc này đòi hỏi đất nước phải có cách tiếp cận chính sách công nghiệp quyết đoán hơn, Zuzana Zavarská nhận xét trên Emerging Europe.
Bởi, hầu hết động cơ ôtô được sản xuất tại Slovakia vẫn là động cơ đốt truyền thống. Việc chế tạo động cơ điện yêu cầu ít bộ phận và đơn giản hơn. Điều này có nghĩa là sẽ cần ít công nhân hơn để duy trì cùng một sản lượng xe.
Tổng cộng có 260.000 người đang làm việc tại 4 nhà sản xuất ôtô và 350 nhà cung cấp trên khắp Slovakia. Tại Czech, số này gần gấp đôi. Theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Globsec tại thủ đô Bratislava (Slovakia), trong kịch bản xấu nhất, có tới 85.000 việc làm, tương đương 4,5% lao động, có thể bị loại bỏ khi chuyển sang xe điện.
"Nếu không quản trị được quá trình chuyển đổi này, chúng ta sẽ gặp vấn đề về việc làm", Alexander Matusek, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ôtô Slovakia (ZAP) nói trên Bloomberg.
Một lo ngại khác về tương lai của Czech và Slovakia là nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư xây dựng nhà máy pin xe điện. Hungary và Ba Lan có gần chục nhà máy đã hoặc đang trong quá trình xây dựng. Theo Vazil Hudak, cựu Bộ trưởng Kinh tế Slovakia và Phó chủ tịch Globsec, vấn đề là khi các nhà sản xuất ôtô chọn mở rộng, họ có thể hướng hoạt động sản xuất mới đến nơi gần có nhà cung cấp pin.
Đến giữa năm ngoái, theo thống kê của Reuters có 2 dự án liên quan đến pin xe điện tại Czech và Slovakia. Trong đó, Magna Energy Storage (MES) đã vận hành nhà máy trị giá 64,5 triệu USD, công suất ban đầu 200 MWh mỗi năm tại vùng Horní Suchá. Hãng kỳ vọng nâng lên 15 GWh trong tương lai. Trong khi Slovakia, chỉ mới có dự án sản xuất thí điểm công suất 45 MWh của InoBat.
Vào 2022, Volkswagen từng xem xét tìm địa điểm khả thi để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ôtô điện thứ 4 ở Đông Âu. Tập đoàn cân nhắc giữa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Tuy nhiên, tháng 11/2023, CEO Oliver Blume cho biết Volkswagen chưa đưa ra quyết định về địa điểm xây nhà máy do nhu cầu xe điện ở châu Âu thấp hơn kỳ vọng. Tại Czech, hãng có công ty con là Skoda.
Sau tuyên bố của ông Oliver, giới chức Czech bắt đầu chào địa điểm định dành cho Volkswagen xây nhà máy pin cho nhà đầu tư khác, vì không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Nơi này đã được chính phủ quy hoạch xây một siêu nhà máy (gigafactory), giúp họ có thể làm chủ được chuỗi cung ứng xe điện.
Bộ trưởng Công Thương Jozef Síkela nói đang đàm phán với 5 nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng siêu nhà máy. Ông không tiết lộ tên nhưng nói họ có thể đến từ các châu lục khác.
Theo vnexpress.net